Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Sau những giấc mơ tan vỡ... Tôi đã nghĩ đến cái chết.

Bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 15-08-2010
Minh họa: Nguyễn Ngọc ThuầnĐọc các bài báo về những cái chết mùa thi, tôi thấy nghẹn lời vì mình cũng đã rơi vào cái hố sâu thẳm của những áp lực học hành đến độ từng nghĩ đến cái chết. Tôi kể lại câu chuyện này không chỉ để chia sẻ với các bạn trẻ cùng tâm trạng, mà còn muốn gửi đến những người lớn một lời trần tình hay có thể, một lời cảnh tỉnh..
Tôi thuộc lớp đầu tiên của thế hệ 9X. Bước sang lớp 12, chúng tôi đã không còn ngày nghỉ. Lịch học của tôi kín cả tuần với chính khóa, phụ đạo trên trường và ôn thi đại học tại nhà thầy cô. Vì ở quê, nên hầu hết chúng tôi không được định hướng về nghề nghiệp và lựa chọn ngành thi hay khối thi, tất cả thông tin đều từ cuốn cẩm nang thi đại học, những lời khuyên từ thầy cô… Ít thông tin, không rõ về ngành học cũng như nghề nghiệp tương lai, nhưng tất cả chúng tôi đều có chung quyết tâm: phải đậu đại học.
Ở cái vùng quê miền Trung khắc nghiệt ấy, học là con đường duy nhất để chúng tôi đổi đời. Ở quê tôi, mỗi ông bố bà mẹ đều mang thành tích và bằng cấp của con cái ra làm điều hãnh diện. Thế nên chúng tôi rất sợ rớt đại học! Sợ lắm vì khi đó không chỉ bản thân mình bị tai tiếng, khinh miệt, mà cả gia đình mình cũng bị chê cười.
Hoang mang…
Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, và cũng không quyết định cả cuộc đời một con người!
Vậy tại sao chúng tôi lại phải chịu đựng những áp lực lớn khủng khiếp như vậy?
Là vì tương tai chúng tôi hay thực sự chỉ vì danh dự của gia đình và những quan niệm a dua sai lầm kiểu như “đại học là tấm vé thông hành vào đời”
Ở trường, tôi là học sinh khá giỏi 12 năm liền, lớp trưởng, cán bộ Đoàn gương mẫu. Một người luôn được thầy cô và gia đình tin tưởng như thế không thể rớt đại học. Nếu chuyện đó xảy ra, tôi cảm thấy bản thân mình không còn là gì cả: làm gia đình mất mặt, thầy cô thất vọng, mọi người cười chê. Nghĩ thế nên tôi học không dám nghỉ ngơi, chơi đùa, chỉ biết lao đầu vào học…
Học mà vẫn lo sợ sẽ rớt đại học, tôi thầm tìm hiểu về việc đi xuất khẩu lao động để nếu rớt đại học tôi sẽ đi lao động 3 năm. Biết mình không đủ bản lĩnh để đối mặt với thất bại này, tôi phải sẵn sàng cho việc chạy trốn nếu thi rớt. Tôi đã từng chứng kiến tại nơi tôi ở có người tự tử vì thiếu nửa điểm đậu đại học, tôi ám ảnh và hoảng sợ vì điều đó!
Tháng tôi ôn thi thì trời miền Trung cũng bước vào mùa mưa bão, những cơn mưa dầm, dai dẳng…không làm tôi bỏ buổi học nào. Trên chiếc xe đạp, tôi vẫn đều đặn chạy “sô”: sáng, chiều, tối. Bị cảm lạnh, nhưng tôi không dám uống thuốc vì sợ uống thuốc sẽ buồn ngủ. Một tháng trước kì thi, bố mẹ không cho tôi đụng vào bất cứ việc gì, tất cả công việc của tôi chỉ là học và học. Một ngày của tôi bắt đầu lúc 5h30 và thường kết thúc vào 2h sáng. Kết quả là tôi bị sốt và đau đầu triền miên.
Đến ngày thi, để tránh những áp lực khi có bố mẹ đi cùng, tôi và Thư – bạn thân của tôi – đã quyết định tự vào thành phố dự thi.
Và khủng hoảng
Ngày lên xe, mẹ tiễn tôi bằng câu nói: “Con phải luôn nhớ là con đi thi bằng chính danh dự của cả gia đình”. Tôi nghe xong cắn môi và bật khóc. Con chỉ là con người bình thường thôi, và mọi thứ có thể vẫn xảy ra cơ mà mẹ…..
Sát ngày thi, tôi gần như không thể nhớ bất cứ một công thức toán nào, dù đó là những thứ đơn giản như cos, sin… trong khi khối A là khối thi chính của mình. Tôi gần như hoảng loạn và mất phương hướng. Không thể gọi về nhà, vì sợ làm bố mẹ lo lắng và thất vọng, tôi chỉ còn biết cầm cự và cố gắng vượt qua kì thi một mình cùng Thư. Và tôi biết, dù lúc đó có gọi về thì tất cả những gì bố mẹ nói với tôi sẽ là “Con không được bỏ cuộc, học 12 năm chỉ đề chờ một kì thi, con phải đậu đại học”.
Rồi chuyện gì đến cũng đến, đau đầu, sốt và tâm lí không ổn định, tôi thất bại ngay với môn thi đầu tiên: Vật lý! Tôi khủng hoảng tinh thần và suy sụp! Ngành tôi đăng kí năm trước đó lấy 21 điểm, chỉ một môn thất bại thôi khả năng đậu đã có thể không còn vì cả 3 môn khả năng của tôi đều ngang nhau.
Kết thúc đợt một của kì thi đại học tôi hoàn toàn rã rời và kiệt sức, tất cả những gì tôi làm 2 ngày sau đó là nhốt mình trong phòng trọ và khóc..Nếu như tôi không thể đối mặt với bố mẹ, thầy cô…lo sợ cho “danh dự gia đình”, thì Thư sẽ không còn cơ hội được đi học, Thư bị gia đình ra điều kiện: trừ khi đó là đại học còn lại cao đẳng hay bất kì thứ gì khác thì ở nhà đi làm…Rồi cũng lấy hết bản lĩnh, thay vì bỏ cuộc, chúng tôi gạt nước mắt, tiếp tục bước vào kì thi đợt 2, nắm tay hứa với nhau sẽ cố gắng hết sức…
Thi xong, tôi trở về nhà và mang theo một tâm trạng nặng trĩu. Tôi không dám xuống nhà thầy cô. Không dám ra ngoài nhiều vì sợ bị hỏi câu “Thi được không?”. Nếu tôi nói:”Không”, thì ngay lập tức:”Chắc nó rớt rồi nên vậy”, “Vậy mà cũng là học sinh khá giỏi!”, “Có ăn với học thôi mà cũng học không ra gì”.
Ám ảnh dai dẳng
Không những tôi, cả Thư cũng phải chịu đựng ánh mắt dòm ngó, những lời chửi mắng từ gia đình. Nửa tháng chờ đợi điểm cũng là khoảng thời gian chúng tôi sống trong sợ hãi, lo lắng cho số phận, tương lai mình. Ban ngày, phụ bố mẹ làm việc nhà, buổi tối hễ có thời gian rảnh là đứa này lại chạy sang nhà đứa kia chỉ để tâm sự và… khóc cùng nhau. Có những tối, tôi vừa khóc vừa cầm chai dầu xanh thoa lên những vết bầm của Thư. Nó bị ba đánh ngay cả khi chưa biết điểm chỉ vì nhỡ nói câu “con làm bài cũng tạm!”, cho đến bây giờ vết bầm ấy vẫn còn.
Chúng tôi bàn nhau, nếu rớt đại học, Thư sẽ đi làm để lo cho 2 em. Còn tôi đã quyết định đi xuất khẩu lao động. Tôi muốn trốn tránh tất cả mọi người: gia đình, thầy cô, bạn bè, hàng xóm…
Cũng đã có những lúc tuyệt vọng, hụt hẫng, tôi nghĩ đến cách giải thoát bằng cái chết. Chết đi sẽ không phải lo sợ về tương lai của mình nữa. Và người lớn sẽ hối hận, ăn năn. Sẽ không còn ai trách cứ chúng tôi về chuyện học. Nhưng tôi không đủ can đảm, tôi biết mình còn trách nhiệm với gia đình, tôi chết đi họ sẽ càng khinh thường gia đình tôi hơn.
Cứ thế, ý nghĩ trốn chạy tra tấn tinh thần tôi, điều tôi có thể làm chỉ là chịu đựng và khóc. Nửa tháng chờ đợi điểm mà tôi như biến thành con người khác: không còn vui vẻ, hoạt bát mà thu mình lại, ít nói hơn, ít cười hơn, lúc nào cũng trong tâm trạng chờ đợi và lo lắng. Tất cả những thứ phải chịu đựng trong khoảng thời gian đó càng làm tôi có quyết tâm đi xuất khẩu lao động hơn.
Ba năm là một khoảng thời gian không dài, nhưng nó đủ để lãng quên. Tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu ở một vùng đất mới, nơi ấy người ta không biết tôi là ai, tôi có thể sống thoái mái, cố gắng làm việc, vừa có tiền lo cho bố mẹ, vừa có tiền tích lũy lo cho tương lai và chọn lựa làm những điều mình muốn. Tôi đã chuẩn bị cho chuyến ra đi đó…
Thế rồi may mắn, tôi đậu khối D. Thư đậu một trường đại học và một trường cao đắng. Sau đó bố mẹ Thư ly hôn, hoàn cảnh khó khăn nên Thư đành chấp nhận học cao đẳng 3 năm để sớm ra trường lo cho các em.
Giờ đây, mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian khủng hoảng tinh thần ấy, tôi vẫn thấy sợ hãi. Nếu ngày ấy rớt đại học, có lẽ cuộc đời tôi đã rẽ sang con đường khác và có thể tôi đã mất gia đình và quê hương. Mỗi khi về quê, tôi lại thấy xót xa, khi những thế hệ sau chúng tôi vẫn phải tiếp tục chịu những áp lực học hành như chúng tôi trước đây.
Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, và cũng không quyết định cả cuộc đời một con người! Vậy tại sao chúng tôi lại phải chịu đựng những áp lực lớn khủng khiếp như vậy? Là vì tương tai chúng tôi hay thực sự chỉ vì danh dự của gia đình và những quan niệm a dua sai lầm kiểu như “đại học là tấm vé thông hành vào đời”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét