Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Sau những giấc mơ tan vỡ... Tôi đã nghĩ đến cái chết.

Bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 15-08-2010
Minh họa: Nguyễn Ngọc ThuầnĐọc các bài báo về những cái chết mùa thi, tôi thấy nghẹn lời vì mình cũng đã rơi vào cái hố sâu thẳm của những áp lực học hành đến độ từng nghĩ đến cái chết. Tôi kể lại câu chuyện này không chỉ để chia sẻ với các bạn trẻ cùng tâm trạng, mà còn muốn gửi đến những người lớn một lời trần tình hay có thể, một lời cảnh tỉnh..
Tôi thuộc lớp đầu tiên của thế hệ 9X. Bước sang lớp 12, chúng tôi đã không còn ngày nghỉ. Lịch học của tôi kín cả tuần với chính khóa, phụ đạo trên trường và ôn thi đại học tại nhà thầy cô. Vì ở quê, nên hầu hết chúng tôi không được định hướng về nghề nghiệp và lựa chọn ngành thi hay khối thi, tất cả thông tin đều từ cuốn cẩm nang thi đại học, những lời khuyên từ thầy cô… Ít thông tin, không rõ về ngành học cũng như nghề nghiệp tương lai, nhưng tất cả chúng tôi đều có chung quyết tâm: phải đậu đại học.
Ở cái vùng quê miền Trung khắc nghiệt ấy, học là con đường duy nhất để chúng tôi đổi đời. Ở quê tôi, mỗi ông bố bà mẹ đều mang thành tích và bằng cấp của con cái ra làm điều hãnh diện. Thế nên chúng tôi rất sợ rớt đại học! Sợ lắm vì khi đó không chỉ bản thân mình bị tai tiếng, khinh miệt, mà cả gia đình mình cũng bị chê cười.
Hoang mang…
Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, và cũng không quyết định cả cuộc đời một con người!
Vậy tại sao chúng tôi lại phải chịu đựng những áp lực lớn khủng khiếp như vậy?
Là vì tương tai chúng tôi hay thực sự chỉ vì danh dự của gia đình và những quan niệm a dua sai lầm kiểu như “đại học là tấm vé thông hành vào đời”
Ở trường, tôi là học sinh khá giỏi 12 năm liền, lớp trưởng, cán bộ Đoàn gương mẫu. Một người luôn được thầy cô và gia đình tin tưởng như thế không thể rớt đại học. Nếu chuyện đó xảy ra, tôi cảm thấy bản thân mình không còn là gì cả: làm gia đình mất mặt, thầy cô thất vọng, mọi người cười chê. Nghĩ thế nên tôi học không dám nghỉ ngơi, chơi đùa, chỉ biết lao đầu vào học…
Học mà vẫn lo sợ sẽ rớt đại học, tôi thầm tìm hiểu về việc đi xuất khẩu lao động để nếu rớt đại học tôi sẽ đi lao động 3 năm. Biết mình không đủ bản lĩnh để đối mặt với thất bại này, tôi phải sẵn sàng cho việc chạy trốn nếu thi rớt. Tôi đã từng chứng kiến tại nơi tôi ở có người tự tử vì thiếu nửa điểm đậu đại học, tôi ám ảnh và hoảng sợ vì điều đó!
Tháng tôi ôn thi thì trời miền Trung cũng bước vào mùa mưa bão, những cơn mưa dầm, dai dẳng…không làm tôi bỏ buổi học nào. Trên chiếc xe đạp, tôi vẫn đều đặn chạy “sô”: sáng, chiều, tối. Bị cảm lạnh, nhưng tôi không dám uống thuốc vì sợ uống thuốc sẽ buồn ngủ. Một tháng trước kì thi, bố mẹ không cho tôi đụng vào bất cứ việc gì, tất cả công việc của tôi chỉ là học và học. Một ngày của tôi bắt đầu lúc 5h30 và thường kết thúc vào 2h sáng. Kết quả là tôi bị sốt và đau đầu triền miên.
Đến ngày thi, để tránh những áp lực khi có bố mẹ đi cùng, tôi và Thư – bạn thân của tôi – đã quyết định tự vào thành phố dự thi.
Và khủng hoảng
Ngày lên xe, mẹ tiễn tôi bằng câu nói: “Con phải luôn nhớ là con đi thi bằng chính danh dự của cả gia đình”. Tôi nghe xong cắn môi và bật khóc. Con chỉ là con người bình thường thôi, và mọi thứ có thể vẫn xảy ra cơ mà mẹ…..
Sát ngày thi, tôi gần như không thể nhớ bất cứ một công thức toán nào, dù đó là những thứ đơn giản như cos, sin… trong khi khối A là khối thi chính của mình. Tôi gần như hoảng loạn và mất phương hướng. Không thể gọi về nhà, vì sợ làm bố mẹ lo lắng và thất vọng, tôi chỉ còn biết cầm cự và cố gắng vượt qua kì thi một mình cùng Thư. Và tôi biết, dù lúc đó có gọi về thì tất cả những gì bố mẹ nói với tôi sẽ là “Con không được bỏ cuộc, học 12 năm chỉ đề chờ một kì thi, con phải đậu đại học”.
Rồi chuyện gì đến cũng đến, đau đầu, sốt và tâm lí không ổn định, tôi thất bại ngay với môn thi đầu tiên: Vật lý! Tôi khủng hoảng tinh thần và suy sụp! Ngành tôi đăng kí năm trước đó lấy 21 điểm, chỉ một môn thất bại thôi khả năng đậu đã có thể không còn vì cả 3 môn khả năng của tôi đều ngang nhau.
Kết thúc đợt một của kì thi đại học tôi hoàn toàn rã rời và kiệt sức, tất cả những gì tôi làm 2 ngày sau đó là nhốt mình trong phòng trọ và khóc..Nếu như tôi không thể đối mặt với bố mẹ, thầy cô…lo sợ cho “danh dự gia đình”, thì Thư sẽ không còn cơ hội được đi học, Thư bị gia đình ra điều kiện: trừ khi đó là đại học còn lại cao đẳng hay bất kì thứ gì khác thì ở nhà đi làm…Rồi cũng lấy hết bản lĩnh, thay vì bỏ cuộc, chúng tôi gạt nước mắt, tiếp tục bước vào kì thi đợt 2, nắm tay hứa với nhau sẽ cố gắng hết sức…
Thi xong, tôi trở về nhà và mang theo một tâm trạng nặng trĩu. Tôi không dám xuống nhà thầy cô. Không dám ra ngoài nhiều vì sợ bị hỏi câu “Thi được không?”. Nếu tôi nói:”Không”, thì ngay lập tức:”Chắc nó rớt rồi nên vậy”, “Vậy mà cũng là học sinh khá giỏi!”, “Có ăn với học thôi mà cũng học không ra gì”.
Ám ảnh dai dẳng
Không những tôi, cả Thư cũng phải chịu đựng ánh mắt dòm ngó, những lời chửi mắng từ gia đình. Nửa tháng chờ đợi điểm cũng là khoảng thời gian chúng tôi sống trong sợ hãi, lo lắng cho số phận, tương lai mình. Ban ngày, phụ bố mẹ làm việc nhà, buổi tối hễ có thời gian rảnh là đứa này lại chạy sang nhà đứa kia chỉ để tâm sự và… khóc cùng nhau. Có những tối, tôi vừa khóc vừa cầm chai dầu xanh thoa lên những vết bầm của Thư. Nó bị ba đánh ngay cả khi chưa biết điểm chỉ vì nhỡ nói câu “con làm bài cũng tạm!”, cho đến bây giờ vết bầm ấy vẫn còn.
Chúng tôi bàn nhau, nếu rớt đại học, Thư sẽ đi làm để lo cho 2 em. Còn tôi đã quyết định đi xuất khẩu lao động. Tôi muốn trốn tránh tất cả mọi người: gia đình, thầy cô, bạn bè, hàng xóm…
Cũng đã có những lúc tuyệt vọng, hụt hẫng, tôi nghĩ đến cách giải thoát bằng cái chết. Chết đi sẽ không phải lo sợ về tương lai của mình nữa. Và người lớn sẽ hối hận, ăn năn. Sẽ không còn ai trách cứ chúng tôi về chuyện học. Nhưng tôi không đủ can đảm, tôi biết mình còn trách nhiệm với gia đình, tôi chết đi họ sẽ càng khinh thường gia đình tôi hơn.
Cứ thế, ý nghĩ trốn chạy tra tấn tinh thần tôi, điều tôi có thể làm chỉ là chịu đựng và khóc. Nửa tháng chờ đợi điểm mà tôi như biến thành con người khác: không còn vui vẻ, hoạt bát mà thu mình lại, ít nói hơn, ít cười hơn, lúc nào cũng trong tâm trạng chờ đợi và lo lắng. Tất cả những thứ phải chịu đựng trong khoảng thời gian đó càng làm tôi có quyết tâm đi xuất khẩu lao động hơn.
Ba năm là một khoảng thời gian không dài, nhưng nó đủ để lãng quên. Tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu ở một vùng đất mới, nơi ấy người ta không biết tôi là ai, tôi có thể sống thoái mái, cố gắng làm việc, vừa có tiền lo cho bố mẹ, vừa có tiền tích lũy lo cho tương lai và chọn lựa làm những điều mình muốn. Tôi đã chuẩn bị cho chuyến ra đi đó…
Thế rồi may mắn, tôi đậu khối D. Thư đậu một trường đại học và một trường cao đắng. Sau đó bố mẹ Thư ly hôn, hoàn cảnh khó khăn nên Thư đành chấp nhận học cao đẳng 3 năm để sớm ra trường lo cho các em.
Giờ đây, mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian khủng hoảng tinh thần ấy, tôi vẫn thấy sợ hãi. Nếu ngày ấy rớt đại học, có lẽ cuộc đời tôi đã rẽ sang con đường khác và có thể tôi đã mất gia đình và quê hương. Mỗi khi về quê, tôi lại thấy xót xa, khi những thế hệ sau chúng tôi vẫn phải tiếp tục chịu những áp lực học hành như chúng tôi trước đây.
Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, và cũng không quyết định cả cuộc đời một con người! Vậy tại sao chúng tôi lại phải chịu đựng những áp lực lớn khủng khiếp như vậy? Là vì tương tai chúng tôi hay thực sự chỉ vì danh dự của gia đình và những quan niệm a dua sai lầm kiểu như “đại học là tấm vé thông hành vào đời”?

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Giúp nữ sinh chống "yêu râu xanh" !

Bị xin đểu, bị yêu xâu xanh uy hiếp, gặp kẻ thích khoe "của quý", gặp cướp giữa đường, gặp kẻ mồi chài đổi chác... là những tình huống nguy hiểm không hiếm gặp, đặc biệt là với các bạn trẻ.

Chính vì vậy chuyên đề tư vấn "Kỹ năng nhận diện và ứng phó với tình huống nguy hiểm" của chuyên viên tâm lý Đào Lê Hòa An (Trung tâm đào tạo - chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) vào chiều 19-5 tại Trường CĐ Viễn Đông (Q.9, TP.HCM) thu hút đông đảo sinh viên và "níu" các bạn đến tận phút chót.

"Chìa khóa vàng" để hóa giải các tình huống nguy hiểm có thể nói vắn tắt là cố gắng chuyển mình từ thế bị động sang chủ động.

“Những tình huống nguy hiểm thường xảy ra bất ngờ, khó lường trước, đánh vào lòng tham, tình thương và những lúc mất cảnh giác của nạn nhân. Nếu không ứng phó kịp thời thì hậu quả rất khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và cả vật chất” - chuyên viên tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ.

“Yêu" hay là chết?

Đang đi bộ trên đường vắng, bạn gái bất ngờ bị một người đàn ông cao lớn gí kim tiêm đầy máu vào cổ, đòi làm “chuyện ấy” với bạn. Bạn gái ấy nên làm gì?

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Hòa An gợi ý giải pháp: bạn gái phải lấy hết tinh thần và tỏ ra bình tĩnh. Đừng bỏ chạy hoặc đánh hắn vì bạn không có đủ sức khỏe và sẽ mất luôn cơ hội thoát thân khi bị hắn đánh bại.

Bạn gái hãy giả vờ thuần phục như giúp hắn cởi nút áo, tháo dây nịt, kéo quần dài của hắn xuống lưng chừng đầu gối rồi... đá thật mạnh vào "chỗ hiểm" của hắn. Cuối cùng, bằng tất cả sức lực, bạn gái phải chạy thoát thật nhanh. Hắn sẽ khó mà đuổi kịp bạn vì đang bị đau và bị chính chiếc quần “khóa” chân.

Bài thuốc cho kẻ thích khoe "của quý"


Có nhiều kẻ suy nghĩ về giới tính bị lệch lạc thích khoe “của quý” với mọi người. Nếu bạn rơi vào tình huống bị một người khoe của quý thì phải làm gì?

Gợi ý cho bạn là đừng tỏ ra ngại ngần, xấu hổ hay hét lên. Bạn làm thế thì hắn càng phấn khích. Việc bạn nên làm là tỏ ra phớt lờ hoặc chê bai: “Trời ơi! Có vậy mà cũng bày đặt khoe!”. Hắn sẽ mất hứng và bỏ đi.

Học cách "vô cảm" với iPhone giá rẻ

Bạn đang chạy xe, có một người đi xe máy chặn đầu xe của bạn, bảo vừa cướp được một chiếc iPhone 4G cực xịn, muốn bán cho bạn với giá rẻ. Anh ta mở chiếc iPhone cho bạn xem với rất nhiều tính năng và đề nghị đổi lấy 300.000 đồng và chiếc điện thoại của bạn (điện thoại của bạn chỉ thuộc hạng bình dân). Bạn đổi không?

Một số sinh viên hào hứng trả lời: "Đổi liền! Đổi liền!". Chuyên viên tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết: "Đây là trò lừa đánh vào tính ham của rẻ của nhiều người. Trong thực tế, chiếc điện thoại chúng đưa cho bạn xem ban đầu là điện thoại thật nhưng chiếc bán cho bạn là đồ giả. Không chỉ người thường mà cả những chủ cửa hàng điện thoại cũng bị lừa như thế. Khi gặp tình huống này, bạn nên quyết liệt từ chối và bỏ đi ngay".

Chuyên đề tư vấn "Kỹ năng nhận diện và ứng phó với tình huống nguy hiểm" của chuyên viên tâm lý Đào Lê Hòa An (Trung tâm đào tạo - chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) thu hút sự theo dõi của đông đảo sinh viên - Ảnh: Thu Thảo

"Thả câu" người tình lừa đảo

Một bạn gái quen một anh chàng qua mạng được một thời gian thì quyết định gặp nhau. Chàng chạy xe SH mới tinh đến chỗ hẹn. Sau vài lần gặp mặt, một hôm chàng đến chỗ hẹn bằng taxi và nói xe bị hỏng. Chàng bảo nhân dịp đặc biệt nào đó muốn mua tặng cô gái một chiếc dây chuyền vàng và rủ bạn gái đi mua cùng.

Đến nơi bán, chiếc dây chuyền trị giá khoảng 20 triệu nhưng anh ấy chỉ mang theo 17 triệu đồng nên đề nghị chở bạn về nhà lấy thêm tiền. Nhà anh ta nằm trong ngõ sâu tối om. Tất nhiên chẳng bạn gái nào dám vào khi mới hẹn hò nên kiên nhẫn đứng ngoài hẻm đợi. Nhưng bạn gái không ngờ anh ấy đã cùng chiếc xe máy của bạn ra đi. Bạn gái phải làm sao?

Giải pháp gợi ý là sau khi sự việc xảy ra được một thời gian ngắn, bạn gái ấy hãy nhờ một người bạn gái khác liên lạc với anh ta. May mắn nếu anh ta còn nghe điện thoại thì bạn gái ấy hãy õng ẹo giả vờ gọi nhầm số với người yêu. Hắn sẽ “cắn câu” ngay và với chiêu thức cũ của hắn, bạn dễ dàng hẹn gặp để tóm gọn hắn.

Bắt mạch kẻ giả vờ xin tiền đổ xăng

Rất nhiều bạn trẻ từng gặp tình huống bị người lạ với dáng vẻ khổ hạnh hỏi xin tiền đổ xăng. Rất có thể đó là kẻ "lừa đảo lòng trắc ẩn" của mọi người.

Nếu nghi ngờ kẻ xin tiền này, bạn hãy làm mặt lạnh và nói: “Ủa, hôm qua em mới gặp anh/chị và cho tiền rồi mà!”. Đảm bảo, nếu đó đúng là kẻ lừa đảo thì sẽ “xanh mặt” và bỏ đi ngay.

Bạn Đặng Thị Thanh Trúc - sinh viên năm 1 CĐ Viễn Đông - chia sẻ: “Những tình huống và giải pháp được cung cấp trong chuyên đề đã giúp các sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất như mình, thêm tự tin để làm quen với môi trường sống tại TP.HCM".